WHĐ (10.08.2013) – Từ ngày 05 đến 10 tháng 8 năm 2013, Hội nghị các Đại chủng viện tại Việt Nam đã diễn ra tại Toà Giám mục Đà Lạt. Có 42 đại diện của các Đại chủng viện tham dự. Ngoài ra có 3 linh mục Hàn quốc thuộc giáo phận Seoul, Đại chủng viện Suwon và Đại chủng viện Daegu được mời tới chia sẻ về tình hình ơn gọi tại Hàn quốc, về việc đào tạo tại Chủng viện và về việc đào tạo các nhà đào tạo mới được bổ nhiệm về Chủng viện.
Sau đây là Bản đúc kết Hội nghị.
1. “Phần anh (Simon), một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22,32). Với ý thức về tầm quan trọng của việc đào tạo linh mục cho Giáo Hội Việt Nam và cảm nhận được sự giới hạn của những người được ủy thác nhiệm vụ này, từ nhiều năm qua các nhà đào tạo của các Đại chủng viện tại Việt Nam đã ngồi lại với nhau để cùng gặp gỡ Chúa và củng cố nhau. Cho đến nay, các hội nghị định kỳ giữa các Đại chủng viện dần dần được diễn ra cách đều đặn. Từ năm 2005, Uỷ ban Giáo sĩ và Chủng sinh tổ chức xen kẽ: một năm là hội nghị để trao đổi kinh nghiệm giữa các nhà đào tạo, năm sau là khóa thường huấn nhằm đào tạo cho chính các nhà đào tạo. Năm nay, sau một năm ban hành bản “Đào tạo linh mục - Định hướng và chỉ dẫn” của Hội đồng Giám mục Việt Nam (2012), Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm về bốn điểm chính trong nội dung đào tạo: động lực ơn gọi, đào tạo nhân bản, đào tạo thiêng liêng và đào tạo mục vụ.
2. Dựa trên báo cáo của các Đại chủng viện, Hội nghị đã dành nhiều thời giờ để chia sẻ kinh nghiệm về các nội dung này :
a. Động lực ơn gọi
Các chủng sinh bước vào chủng viện với nhiều động lực khác nhau, có khi rất thiêng liêng cao thượng, nhưng nhiều khi vẫn còn mang nặng tính trần tục. Vì thế, động lực ơn gọi của các chủng sinh cần được nhận ra và thanh luyện trong quá trình đào tạo. Điều này rất khó khăn và cần sự cộng tác từ nhiều phía: nhà đào tạo, chủng sinh, gia đình, các linh mục và giữa các chủng sinh với nhau...
b. Đào tạo nhân bản
Việc đào tạo này cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là về tính chân thật, sự trưởng thành tình cảm/tính dục và biết làm việc chung. Cần kêu mời sự cộng tác của các thành phần dân Chúa trong việc đào tạo này, đặc biệt các cha xứ nơi chủng sinh lớn lên và nơi chủng sinh đến giúp.
c. Đào tạo thiêng liêng
Cần khơi lên nơi chủng sinh khát vọng nên thánh và lòng ham thích cầu nguyện, nhất là cầu nguyện dựa trên Lời Chúa (lectio divina). Lý tưởng là nhà đào tạo cùng đồng hành với chủng sinh trong những điều này. Nên có những sáng kiến để làm sinh động những giờ cầu nguyện chung. Chủng sinh cần quý trọng và thực hành việc linh hướng.
d. Đào tạo mục vụ
Bên cạnh việc rèn luyện những kỹ năng mục vụ, cần lưu tâm hơn nữa đến việc hun đúc nơi chủng sinh tâm hồn mục tử theo gương Chúa Giêsu. Cần tạo cơ hội cho chủng sinh tiếp xúc với người nghèo để biết rung cảm trước những đau khổ của họ và muốn dấn thân phục vụ tha nhân hơn là tự khẳng định mình qua các công trình. Cần tạo điều kiện cho chủng sinh đến với lương dân.
3. Hội nghị cũng dành hai buổi trao đổi về vấn đề áp dụng việc phân định (ơn gọi, thánh ý Chúa trong đời sống) và sử dụng internet trong các đại chủng viện. Đây là hai vấn đề quan trọng và cũng đầy khó khăn mà chủng sinh cần ý thức và tích cực cộng tác.
4. Một trong những đường hướng của bản định hướng và chỉ dẫn là thực hiện Năm Thử. Kinh nghiệm chia sẻ của Đại chủng viện Huế và Nha Trang đã làm nổi bật sự cần thiết và hữu ích của năm này. Tuy còn vài giới hạn, nhưng nhìn chung việc thực hiện Năm Thử đã có được những kết quả đáng khích lệ.
5. Hội nghị cũng mời ba linh mục Hàn Quốc đến chia sẻ về (a) tình hình phát triển ơn gọi của Giáo Hội Hàn Quốc (trọng tâm là giáo phận Seoul), (b) tình hình thực tế và nhiệm vụ đặt ra cho việc đào tạo linh mục tại Đại chủng viện Suwon, và (c) đào tạo lẫn nhau để trở thành nhà đào tạo tại Đại chủng viện Daegu.
a. Tình hình ơn gọi linh mục tại Giáo Hội Hàn Quốc nói chung phát triển tốt, cách riêng là ở Seoul. Ơn gọi được phát triển là nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa mọi thành phần dân Chúa, nhất là các cha xứ, trong việc cổ võ và đào tạo các dự tu (“Hệ thống hỗ trợ”), tổ chức những buổi họp mặt cho dự tu, kết hợp giữa các giai đoạn đào tạo và đào tạo các người có trách nhiệm. Ngoài ra, Giáo Hội Hàn quốc cũng đóng góp nhiều cho việc xây dựng một xã hội lành mạnh, nên uy tín của Giáo Hội gia tăng và cũng vì đó mà thu hút thanh niên đến với ơn gọi.
b. Tại Đại chủng viện Suwon, việc đào tạo 4 chiều kích (nhân bản, thiêng liêng, tri thức và mục vụ) mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc. Vì Đại chủng viện được chính phủ nhìn nhận như đại học, nên chủng sinh khi tốt nghiệp có thể đạt được trình độ cử nhân và thạc sĩ. Việc đào tạo tu đức được lưu tâm đặc biệt, nhất là lớp đầu của từng giai đoạn (năm 1 của cử nhân, năm 1 của thạc sĩ).
c. Các linh mục mới nhận nhiệm vụ làm nhà đào tạo cần được đào tạo bởi những người đi trước. Họ được mời gọi suy nghĩ về ơn gọi đào tạo của mình, cầu nguyện để đáp trả; suy tư lại kinh nghiệm mình đã có về chủng viện; lắng nghe từ các nhà đào tạo đương nhiệm và trước đây; tiếp cận với các chủng sinh trong sinh hoạt cụ thể; học hỏi giáo huấn của Giáo Hội về việc đào tạo chủng sinh.
6. Hội nghị cũng được nghe trình bày dự kiến về chương trình thường huấn năm 2014 với đề tài “Vấn đề thế tục hoá và việc đào tạo linh mục”.
7. Sau những ngày trao đổi, hội nghị đưa ra một số điểm sau :
a. Xác tín:
1. Chúa Thánh Thần là tác nhân chính của công cuộc đào tạo vì chỉ nhờ Người mà các chủng sinh được biến đổi nên giống Chúa Giêsu là Đầu và là Mục Tử.
2. Tuy việc đào tạo linh mục được Giáo Hội ủy thác cách đặc biệt cho các nhà đào tạo trong chủng viện, nhưng việc này chỉ đạt được kết quả tốt khi có sự hỗ trợ tích cực của mọi thành phần Dân Chúa, nhất là các cha xứ và phụ huynh chủng sinh.
3. Bản thân chủng sinh cần ý thức tận dụng mọi trợ lực để chủ động thực hiện hành trình tự đào tạo “đi theo, ở lại, nên giống Chúa Giêsu” là Đấng đã yêu thương chọn gọi và luôn đồng hành với từng chủng sinh trên bước đường ơn gọi.
4. Nhà đào tạo và người được đào tạo đều được mời gọi nên thánh trong bổn phận.
b. Đề nghị:
1. Các Đại chủng viện, trong điều kiện có thể, nên tạo mối liên kết với các cha xứ, cha bảo trợ và phụ huynh chủng sinh để giúp chủng sinh phân định và phát triển ơn gọi.
2. Các Đại chủng viện cần quan tâm nhiều hơn nữa về chiều kích thiêng liêng vốn là linh hồn của việc đào tạo, để giúp chủng sinh khi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu sẽ dễ phân định ơn gọi phù hợp với thánh ý Chúa. Cha linh hướng đóng vai trò quan trọng trong việc này.
3. Tổ chức ngày ơn gọi tại Đại chủng viện phối hợp với Ban Mục vụ ơn gọi.
4. Vì Năm Thử rất hữu ích cho sự trưởng thành nhân cách và ơn gọi, các Đại chủng viện sẽ quan tâm hoàn chỉnh việc thực hiện năm này.
5. Thử nghiệm tổ chức đào tạo các nhà đào tạo mới được bổ nhiệm.
8. Hội nghị kết thúc trong tâm tình tạ ơn Chúa vì đã mời gọi các nhà đào tạo gặp gỡ Chúa và ngồi lại với nhau. Trong ý thức phải liên kết với nhau nhằm bổ sung cho nhau trước trách nhiệm lớn lao được Giáo Hội Việt Nam trao phó, các nhà đào tạo thêm tin tưởng và phấn khởi thi hành sứ vụ.
“Phần anh (Simon), một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh”(Lc 22,32).
Ban Thư ký Hội nghịNguồn: WHĐ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét