Khi người phong… yêu | Jesus I Love | Suy Niệm | Nhạc Tôn Giáo | Thánh Ca | Cầu Nguyện Mỗi Ngày

“Anh chị yêu nhau đơn sơ mộc mạc lắm. Không được ly kỳ hấp dẫn như trên phim đâu. Cùng là phận người mắc bệnh phong với nhau thì dựa vào nhau mà thương nhau thôi. Bờ rào dựa vào một cái cột thì ắt sẽ đổ, nhưng có hai cái cột cùng chống thì không đổ được đâu… Em là người lành thì dễ, người tật như chị thì khó lắm. Có chồng thì phải biết quý, biết yêu thôi mà…”.
Ký ức kinh hoàng
Ghé về thăm làng phong Quả Cảm (xã Hòa Long, TP Bắc Ninh) trong một chiều đầy nắng. Không gian tịch mịch ở đây đã xua đi mọi bon chen của đô thành. Ai biết được rằng sau khung cảnh êm đềm kia, hàng trăm con người đang âm thầm chịu sự dày vò của căn bệnh quái ác. Và cũng biết bao người đã lặng lẽ ra đi.
Không khó để chúng tôi tìm được nhà anh chị Vị-Và, cặp vợ chồng “mới” nhất của trại. Ngôi nhà xinh xắn của anh chị nép dưới tán cây sấu già. Khi chúng tôi đến thăm, anh Vị đang ngủ, còn chị Và- vợ anh thì đang lúi húi dọn dẹp chuồng gà. Nhìn đôi tay đã biến dạng cụt gần hết ngón của chị cầm chổi một cách khó khăn, chúng tôi không khỏi lo ngại. Đáp lại bằng một nụ cười thật tươi, chị Và nói: “Cô chú cứ yên tâm, chị làm mấy việc này quen rồi. Chị còn cuốc được cả đất cơ. Cô chú đợi một chút chị xong ngay đây”.
Vừa nói chị vừa thoăn thoắt dọn dẹp, chẳng mấy chốc đã xong việc. Chị Và hồ hởi gạt mồ hôi, âu yếm gọi chồng cùng ra nói chuyện.
Anh Lê Văn Vị và chị Vàng Thị Và làm lễ cưới năm 2011 tại trại phong Quả Cảm. Quá trình  anh chị tìm hiểu đến với nhau là cả một thời gian dài và trắc trở. Đã có lúc tưởng chừng như không thể đến được với nhau do những rào cản tâm lý, do khoảng cách địa lý xa xôi. Nhưng cuối cùng “Châu cũng về Hợp Phố”. Tính đến nay, anh chị đã sống với nhau tròn hai năm. Những tháng ngày gắn bó đã tạo cho họ sự đồng cảm đến nỗi chỉ nhìn vào mắt nhau là biết người kia định nói gì.
Khi kể về hoàn cảnh đã đưa anh chị đến trại phong, họ không giấu được nét kinh hoàng trong đôi mắt. Anh Vị sinh năm 1967 ở Sóc Sơn, Hà Nội. Suốt quãng thời gian thanh niên, anh là một chàng trai khỏe mạnh và yêu đời. Sau một đêm tỉnh dậy, anh thấy lòng bàn chân mình có những vết rộp nho nhỏ, chỉ hơi ngưa ngứa. Anh cứ đơn giản nghĩ đó là chứng bệnh dị ứng thông thường. Sau đó  thấy vết rộp to dần, đau nhức anh mới chịu đi khám. Nhưng thời bao cấp, mọi điều kiện về y tế còn yếu kém, bệnh viện không phát hiện ra bệnh của anh, chỉ xác định là do sâu đốt.
Hai năm sau, anh Vị bắt đầu bị co rút chân, các ngón chân co quắp lại. Chỉ đến lúc đau đớn không chịu nổi, anh mới ra Hà Nội xét nghiệm. Và đến năm 1994, khi anh phát hiện mình bị nhiễm bệnh phong thì đã quá muộn! Một bên chân phải của anh đã bị hỏng, buộc phải cưa. Còn hai bàn tay đã bị cụt gần hết ngón. Quá đau khổ và chán chường và cũng là để cho gia đình không phải vất vả vì mình, anh Vị xin gia đình đưa vào trại phong Quả Cảm để dưỡng bệnh. Từ một người luôn yêu đời, anh trở thành một người trầm lặng. Lúc đó, anh Vị nghĩ mình vào đây chỉ để chờ chết!
Đến năm 2006, gia đình anh làm mối cho anh với một cô gái cùng làng. Nhưng chỉ hai năm sau, vợ chồng anh đường ai nấy đi. Vợ anh là người chủ động đưa đơn ra xã. Cả 6 lần xã gọi anh đến làm thủ tục ly dị anh đều không đến. Anh cho rằng vợ anh có thì bỏ, chứ anh thì không bao giờ bỏ vợ. Sâu thẳm trong anh, niềm khát khao hạnh phúc lứa đôi luôn đau đáu. Anh Vị quay trở lại trại phong Quả Cảm, càng trở nên câm lặng hơn. Đối với anh, hai chữ “niềm vui” sẽ không bao giờ hiện hữu trong quãng đời còn lại của mình nữa.
Chị Và sinh năm 1980, cũng có số phận éo le chẳng kém gì anh. Chị là người dân tộc Mông, sống trong một gia đình đông con ở vùng núi heo hút Xì Phà (Đồng Văn, Hà Giang). Từ năm 7 tuổi, chị đã hay bị phồng rộp ngứa ngáy ở tay chân, nhưng cứ lở loét một thời gian rồi lại lành gia đình không hề chú ý. Cũng như anh Vị, khi chị Và phát hiện bệnh của mình vào năm 2003 thì mọi thứ đã trở nên quá muộn. Chị đã bị vi khuẩn ăn cụt gần hết các ngón tay và gót chân. Cảm thấy mình trở thành gánh nặng, chị Và tự xin gia đình cho mình được vào trại.
Chị nhớ lại khi mình được đưa xuống Bệnh viện tỉnh Hà Giang, khi các cán bộ Sở Y Tế tới xét nghiệm tình trạng để xem xét việc nhập trại, đi qua giường bệnh hỏi han từng người. Lúc đó, chị không biết nói tiếng Kinh, chỉ biết chìa đôi bàn tay cụt lủn, hai hàng nước mắt lưng tròng. Trong thâm tâm chị lúc đó chỉ muốn hét lên rằng: “Các bác ơi, tay cháu thế này làm sao cầm con dao, cái cuốc được. Các bác cho cháu vào trại với!”.
Thế là chị Và được đưa vào trại phong Phú Bình (Thái Nguyên). Chị đã ở đây 7 năm trước khi nhập về trại phong Quả Cảm. Trong thời gian ở trại, chị đã được một bệnh nhân phong già nhận làm con nuôi, dạy cho tiếng Kinh. Cuộc sống cứ thế yên bình trôi, nhưng trong thâm tâm, chị luôn cảm thấy cô đơn. Chị nhớ cái không khí gia đình, thèm có một ai để chị sẻ chia, bầu bạn.
Hạnh phúc đến muộn
Vào tháng 6/2010, cô Nguyễn Thị Xuân, y tá ở trại phong Quả Cảm, sau khi biết rõ về hoàn cảnh chị Và, đã tìm gặp chị. Lần đầu gặp nhau, cô Xuân hỏi chị Và: “Và có thích lấy chồng không?”. Chị Và co rúm người: “Cháu vừa bị bệnh, vừa gầy gò xấu xí thế này thì ai thèm lấy?”. “Thì người cùng hoàn cảnh người ta lấy mình”. Chị Và do dự: “Người ta khỏe hơn cháu, ít bệnh hơn cháu thì ai muốn cưới người như cháu?”. Cô Xuân mỉm cười: “Nồi tròn thì úp vung tròn, nồi méo thì có vung méo úp. Cháu có biết anh Vị ở trại Quả Cảm không? Người ta có vợ nhưng chia tay rồi. Và tìm hiểu, nếu hợp thì lấy nhé!”. Chị Và xấu hổ chạy vào phòng: “Cháu không biết!”.
Ấn tượng đầu tiên của chị về anh là một người lầm lì cộng với mái tóc lấm tấm bạc chẳng khác nào ông già. Duy chỉ có đôi mắt là ấm áp và gần gũi. Chị Và không khỏi phân vân. Chị chưa từng nếm trải tình yêu đôi lứa, còn anh đã có vợ rồi. Chị còn nhớ lần đầu tiên anh Vị xuống thăm chị, hai người ai cũng lo người kia sẽ chê mình. Câu đầu anh Vị hỏi chị là: “Có biết chữ không?”. Chị Và đáp cụt lủn: “Không”. Rồi không nói gì với nhau nữa. Mặc cảm về bản thân, mấy bận anh Vị xuống thăm, chị Và đều lánh mặt hoặc gặp thì cũng lại nói chuyện chỏng lỏn với nhau.

Khi hạnh phúc trào dâng
Chị Và kể anh Vị vụng lắm, không hề biết nói những câu ngọt ngào. Hầu hết là các thầy ở trại phải “tán giúp”. Chị kể lại có một lần ngồi ăn cơm chung với nhau, mọi người trêu: “Tay Và bị mất hết ngón rồi, không cầm được thìa đũa đâu. Nếu muốn lấy nó thì phải gắp cho nó đấy nhé!”. Anh Vị không nói gì, nhưng đến bữa sau cũng lẳng lặng gắp thức ăn vào bát cho chị. Một hành động bằng trăm ngàn lời nói, họ đã tìm được sự đồng cảm.
Sau bao ngày trằn trọc suy nghĩ, chị Và quyết định đánh cược với số phận. Chị nói với mọi người: “Cái đũa cũng phải có đôi, con chim cũng có con đực con cái mới thành. Con người cũng thế, phải dựa vào nhau lúc ốm đau, khó khăn. Cháu sẽ lấy anh Vị, dù hạnh phúc hay không cháu sẽ không trách móc ai cả”. Có người e ngại cho chị, chăm sóc cho bản thân một mình đã khó thì làm sao cáng đáng nổi công việc của một người vợ. Chị Và quả quyết bằng sự mạnh mẽ của một cô gái Mông: “Nhất định phải cưới anh Vị!”.
Sau một năm tìm hiểu, đám cưới anh Vị và chị Và cũng được tổ chức. Chưa đám cưới nào lại nhiều xe hoa đến vậy. Nguyên do là bởi Ban giám đốc và gia đình anh đều lo chị phải thiệt thòi. Ngày đưa dâu, một xe hoa bên trại Phú Bình đưa chị Và từ Thái Nguyên đi, một xe của nhà thờ Bắc Ninh đón, một xe của trại phong Quả Cảm, một xe của gia đình nhà anh Vị rộn rã khắp cả con đường.
Nhớ lại ngày ấy, chị Và nghẹn ngào nói: “Chưa bao giờ tôi nghĩ một người khuyết tật, mù chữ như mình lại được lên Ủy ban xã, được cầm bút ký tên mình vào mảnh giấy đăng ký kết hôn đẹp như thế. Lại càng không bao giờ dám mơ mình được ngồi xe hoa. Tất cả là nhờ các thầy ở hai trại, là nhờ cô Xuân hết lòng mai mối mà giấc mơ đã thành hiện thực”. Suốt cả quãng đường đưa dâu, chị Và chỉ biết khóc vì hạnh phúc.
Những ngày tháng sau ngày cưới mới thực sự là khó khăn đối với anh chị. Không có nhiều cơ hội hẹn hò như những đôi bình thường, không ít lần anh chị giận hờn do không hiểu nhau. Nhưng dần dà, tình yêu đã nảy mầm sau những tháng ngày kề bên nhau trải qua đau đớn, tật bệnh. Giờ đây anh chị đã trở thành một cặp vợ chồng hạnh phúc thực sự. Suốt cuộc nói chuyện với chúng tôi, chị Và thì luôn miệng kể chuyện, còn anh Vị chỉ cười, trìu mến nhìn vợ.
Chị Và kể rằng kỷ niệm đẹp nhất của vợ chồng chị là ngày lễ Tình nhân năm ngoái. Thấy người người nô nức đi chơi, anh Vị cũng muốn đưa vợ đi. Nhưng cái khó ở đây là cả hai đều bị hỏng chân, không đi được xe đạp. Thế là họ dắt nhau đi bộ xuống làng Diềm ở gần đấy, mua hai bông hoa hồng, hai cái bánh nhỏ để tặng nhau. Sau đó vợ chồng anh chị dắt nhau đến nhà thờ cầu nguyện, rồi leo lên đồi tâm sự đến tận nửa đêm. Chị Và cười: “Bình thường đi một mình thì mệt, nhưng đi với chồng thì không mệt chút nào!”.
Quả là “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, tuy đi lại và lao động khó khăn nhưng anh chị cũng đã tạo dựng cho mình được cuộc sống tương đối đủ đầy. Anh chị vừa nuôi gà, vịt lấy trứng, vừa trồng rau để ăn. Với 560 nghìn đồng/tháng, ngoài chi phí sinh hoạt, hai vợ chồng còn để dành mua sắm được cả tivi, tủ lạnh. Đặc biệt, năm ngoái anh chị vừa có một chuyến về Hà Giang thăm gia đình ngoại, mua cho bố mẹ chị một cái tivi. Chị Và khoe đó là chiếc tivi đầu tiên của bản, mọi người kéo dến xem đông lắm.
Khi được chúng tôi hỏi sao lại ra ngoài mua được. Chị Và cười thật tươi: “Đó là do một lần đi chợ, chị vô tình gặp một ông già chở tivi đi bán. Thương chị khuyết tật, ông già bán rẻ với giá 300 nghìn, lại còn đến tận nhà lắp cho. Từ đấy, mỗi khi anh Vị hay uống rượu, hút thuốc chị lại trêu: “Nếu anh còn uống rượu, em bê tivi ra chỗ khác, không cho anh xem nữa!”, anh Vị lại thôi. Nhờ bỏ rượu, bỏ thuốc mà anh béo trắng ra đấy. Trông lại đẹp trai hơn xưa”. Vừa nói chị Và vừa liếc chồng, anh chỉ cười tủm tỉm.
Nghe “bà mối” kể chuyện
Rời  nhà vợ chồng anh Vị, chúng tôi ghé thăm cô Nguyễn Thị Xuân. Cô là một y tá đã dành trọn cuộc đời mình để chăm sóc những bệnh nhân phong ở trại Quả Cảm, cũng là bà mối đã se duyên cho hai anh chị. Khi được chúng tôi hỏi về chuyện tình anh Vị chị Và, cô Xuân không giấu được nét vui mừng. Cô tâm sự: “Hai vợ chồng nó đi đâu cũng dính lấy nhau như sam. Cô cho Và cái gì nó cũng mang về cho chồng, có hôm đưa cho nó quả chuối. Và không chịu ăn mà gói vào túi. Cô hỏi thì nó bảo mang về cho anh Vị ăn”.
Câu chuyện đang vui bỗng cô Xuân trầm giọng xuống: “Có chuyện này có lẽ chúng chưa kể cho các cháu. Trước đây, vợ Vị đòi bỏ không hẳn vì sợ bệnh tật đâu mà bởi vì Vị bị vô sinh, ăn ở hai năm với nhau mà không có được mụn con nào. Vị biết vậy nên nhiều lần tâm sự với cô, muốn Và đi xin con từ người đàn ông khác. Cái Và biết chuyện. Nó khóc dữ lắm và nói: Người Mông lấy chồng thì chỉ làm con ma nhà chồng thôi. Không có con thì thôi chứ cháu nhất định không phản bội anh Vị. Thương nhau thế đấy.
Hôm trước, Và bị ốm. Vị lết cái chân giả đi khắp 3 cây số để mua phở cho vợ. Về thì phở đã nguội ngắt, nhưng Và vẫn khen: “Cháu chưa ăn bát phở nào ngon như thế cô ạ”. Phở ngon nhờ gia vị hay vì tình yêu ngọt lành anh Vị đã nêm vào?
Khi người phong yêu, có thể họ không có bàn tay hoàn thiện để nắm chặt, không có đôi chân lành lặn để đi dạo cùng nhau đến cùng trời cuối đất, nhưng bằng cách riêng của mình, trái tim họ đã hòa quyện chung một nhịp, đồng điệu và thiêng liêng.
Huyền Vũ
Nguồn : Báo An Ninh Thế Giới

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top