Xin một chỗ nhất trong đất thánh | Jesus I Love | Suy Niệm | Nhạc Tôn Giáo | Thánh Ca | Cầu Nguyện Mỗi Ngày

Một tờ di chúc ghi rằng:
“Các con biết đó, ba đã làm ông Chánh Trương ở Giáo Xứ  này liên tiếp 5 nhiệm kỳ 4 năm, tức là 20 năm rồi. Ba đã hy sinh cho Nhà Thờ Nhà Thánh này quá nhiều rồi. Vì vậy ba dặn các con mấy việc cần làm lúc ba ra đi:

Một là xin một chỗ trong Đất Thánh gần bàn thờ nhất.
Hai là xin Cha sở cho làm Lễ đồng tế.
Ba là báo tin, mời các cha N, cha Đ và cha C về làm Lễ đồng tế.
Bốn là mời Đội Kèn TX về thổi hai ngày. Đừng mời Đội Kèn XL vừa xa, vừa dở, lại tốn kém.
Năm là không nhận tiền phúng điếu, nhưng vòng hoa càng nhiều càng tốt…”
Có người ngoài gia đình đọc được tờ di chúc, nhận định:
“Khi sống, đòi làm cho được ông kia bà nọ để cưỡi đầu cưỡi cổ người ta, đòi ăn trên ngồi trốc, đòi một chỗ danh dự trong Nhà Thờ, trong hội nghị, trong đám tiệc… đã đành, đến lúc chết, lại đòi phải an táng trọng thể, Lễ đồng tế, kèn trống, vòng hoa, xe và người tiễn đưa thật đông… và nhất là phải xin cho được một chỗ trong Đất Thánh gần bàn thờ nhất…thì đúng là “chứng nào tật ấy” !
Thật là uổng phí thời gian khi phải bận tâm, lo toan chuẩn bị cho cái chết của mình thật chu đáo theo kiểu của người ở đâu cũng đòi làm ông lớn ! Chết mà cũng đòi làm lớn ! Ngán ngẫm thật !”
Tôi không biết cách nào bào chữa cho người quá cố hơn là: “Thông cảm đi mà… Có thể là cụ nghĩ mình tội lỗi, nên xin được nhiều Thánh Lễ, nhiều lời cầu nguyện để được Chúa sớm thứ tha”.
Có người lại nhắc câu chuyện về anh Hai Dung, người trông coi nghĩa trang Giáo Xứ của chúng tôi. Đêm ấy, anh Hai ngủ rồi ra đi luôn. Mọi người thương tiếc lắm. Đám tang đông. Trước khi hạ huyệt, một thân nhân đọc lời cảm tạ, có câu: “Xin cảm ơn quí vị đã thương đưa ông, anh… chúng tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng”. Một người nhắc lại câu nói rất hay của anh Hai Dung lúc còn đang xây các kim tĩnh ở nghĩa trang: “Biết đâu là nơi an nghỉ cuối cùng ? Nó mà qui hoạch thì lo mà hốt xác, bốc mộ. Chỉ có Chúa mới là nơi an nghỉ cuối cùng mà thôi”.
Một chỗ trọng vọng nơi trần thế này, một lễ an táng trọng thể… liệu có phải là bảo đảm cho một chỗ trong nước Thiên Chúa không?
Nếu việc cử hành trọng thể Lễ An Táng là bằng chứng được Ơn Cứu Rỗi của một người, thì cái chết của những người nghèo hèn bé nhỏ kia, không kèn không trống, chẳng có cái vòng hoa nào, không mấy người khóc thương đưa tiễn, may ra con chó thương chủ buồn bã lẽo đẽo theo sau chiếc quan tài… lại là cái chết hẩm hiu xấu số và phải mất phần linh hồn đời đời sao ?
Con mắt, cái nhìn, cái suy nghĩ của người trần gian lúc nào cũng dừng lại ở chỗ quí chuộng những sự sang trọng bên ngoài, mà không vượt qua và tiến tới chỗ siêu nhiên hơn được sao ?
Tôi không dám phê phán hay chê bai cách tổ chức Lễ An Táng thế nào, nhưng xin lấy Lời Chúa hôm nay mà cảm thấy tiếc cho chính tôi, cho bạn, cho tất cả những ai bận tâm về việc hậu sự của chính mình. Một mối bận tâm vô ích ! Đổi lại, nên bận tâm đến cách sống hôm nay thế nào cho đẹp lòng tha nhân, cho đẹp lòng Chúa.
Quả thực, Lời Chúa hôm nay Chúa Nhật 22 TN C cảnh tỉnh chúng ta phải biết bỏ cho dứt cái thói kiêu căng cao ngạo, tránh cho xa mọi thủ đoạn tiềm tàng trong lòng mình xúi giục mình tôn vinh chính mình quá đáng.
Lời Chúa hôm nay trong khung cảnh một đám cưới ở đời. Thấy khách dự tiệc tranh nhau tìm một chỗ ngồi cho ra vẻ mình là người quan trọng, người giàu có, quyền thế uy tín, Chúa Giêsu đã dùng cơ hội này ngay để mở lòng cho con người biết về sự quyết liệt của Thiên Chúa: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống. Và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.
Phải bỏ cho dứt cái kiêu ngạo, vì kiêu ngạo chính là bản tính của ma quỷ luôn sống trong sự hận thù, bất an, bản tính của thế lực đối lập chống lại Thiên Chúa khiêm nhường, đầy tình yêu thương nhân hậu và bình an.
Vì kiêu ngạo là bản tính của ma quỷ, nên kiêu ngạo luôn có nhiều chiêu thức khôn ranh đáng sợ. Nó có phép tàng hình hoặc ẩn nấp sâu trong cõi lòng mình mà chính mình cũng chẳng nhận ra. Nó đang ru ta ngủ trong cái khiêm tốn ảo tưởng, giả dối. Kẻ giàu người nghèo, người có học hay kẻ mù chữ, đấng có Chức Thánh cao trọng hay người Giáo Dân bần cùng thấp bé… không ai tránh khỏi lưới dò của ma quỷ về sự kiêu ngạo.
Chúa Giêsu quyết liệt với sự kiêu ngạo là vì bản tính của Thiên Chúa là khiêm cung. Và chỉ có khiêm cung mới có tình yêu, lòng khoan dung, nhân hậu.
Ngài cũng mở cho chúng ta biết về Bữa Tiệc Cưới trong Nước Thiên Chúa dành cho những ai khiêm nhượng, nghèo hèn:“Khi đãi khách, hãy mời những người nghèo khó”. Người nghèo khó không có chi đáp đền. Bữa tiệc của Thiên Chúa là một tình thương cho đi một cách nhưng-không, không giống như bữa tiệc đời chỉ toàn chuyện có vay có trả.
Trong số các bài thơ của Thi Ca Cầu Nguyện số 129, có bài “Xuống” của Hương Nam, xin được trích đoạn sau đây:
Chỉ khiêm cung mới chịu mình sụp đổ
Để dựng xây trời đất mới vinh quang
Chỉ khiêm cung mới kéo cả Thiên Đàng
Xuống trần giới ban bình an muôn thuở
Lạy Chúa Giêsu, Đấng đã mạc khải cho chúng con một Thiên Chúa Khiêm Nhường và Yêu Thương, Đấng mời chúng con học bài “hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”, xin cho chúng con biết liên kết với Chúa để nên khiêm nhượng và yêu thương, để xứng đáng dự Tiệc trong Nước Chúa, Nước của những kẻ hiền lành và khiêm nhượng thật sự. Amen.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top