Mùa Vọng - Mùa trông đợi Chúa Giáng Sinh | Jesus I Love | Suy Niệm | Nhạc Tôn Giáo | Thánh Ca | Cầu Nguyện Mỗi Ngày


          Có truyện ngụ ngôn về ba con quỷ được Satan cử xuống học việc ở trần gian. Trước khi chúng đến trần gian để tập sự. Chúng nói với Satan là chúa quỷ về những kế hoạch cám dỗ loài người.
          Con quỉ thứ nhất nói:
          - Tôi sẽ bảo với loài người là không có Thiên Chúa.
          Con quỉ thứ hai nói:
          - Tôi sẽ bảo họ là không có hỏa ngục.
          Satan trả lời :
- Mi sẽ không lừa dối ai được bằng cách đó, ngay đến bây giờ loài người vẫn biết có một hỏa ngục dành cho tội nhân.
          Con quỉ thứ ba nói :
          - Tôi sẽ bảo với loài người đừng có vội vã làm gì.
          Satan đáp :
          - Đi đi, mày sẽ làm hại được vô số loài người bằng cách đó.
          Đúng vậy, ảo tưởng nguy hiểm nhất là ảo tưởng cho rằng mình còn lắm thời giờ. Cái ngày nguy hiểm nhất trong đời của một người là khi người đó học được chữ ngày mai, và trì hoãn vì không ai biết ngày mai có đến với mình nữa không.
Theo truyền thống của Giáo Hội Công giáo, bước vào tháng 12 (dương lịch) hàng năm là bước vào Mùa Vọng; theo tiếng La tinh là “Adventus, có nghĩa là “mùa trông đợi, mong chờ. Mùa vọngcó ý nghĩa là: Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô  "đã đến" lần thứ nhấtMùa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" lần thứ hai vào ngày tận thếMùa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng taMùa chuẩn bị tâm hồn Kitô hữu xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới”.

Mùa Vọng trước tiên là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử ơn cứu độ của Đức Kitô trong cuộc đời mình, bắt đầu từ việc dân Do thái mong đợi và chuẩn bị Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để "giải phóng" họ khỏi ách nô lệ, đặc biệt là nô lệ tội lỗi. Isaia đã loan báo, Gioan Tẩy Giả đã dọn đường, dân chúng cũng đã chịu phép rửa sám hối để đón nhận Đấng Messia. Đấng Messia là Đức Kitô đã đến, ban đầu người ta cũng hồ hỡi đón nhận Ngài, nhưng rồi thấy Ngài là Đấng không giống như mình nghĩ, không hành động như mình mong, không thực hiện những điều như mình muốn, nên người ta dần dần bỏ Ngài. Hơn nữa, vì quyền hành và tham vọng, vì kiêu căng và lòng chai dạ đá, nên các vị lãnh đạo tôn giáo muốn khai trừ Ngài.
Thứ hai, trong mùa Vọng, mỗi người Công giáo dọn lòng để mừng lễ Giáng sinh cho sốt sắng, nhưng còn là dịp để thúc đẩy mỗi người dọn mình đón Chúa đến lần thứ hai để phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày tận thế, nhưng đặc biệt để mỗi người chuẩn bị đón Chúa đến lần sau hết của đời mình. Số phận đời đời của mỗi người mỗi khác tùy theo mình có chuẩn bị hay không.


   Viết đến đây, tôi nhớ lại câu chuyện của Dostoievski kể câu chuyện về một người phụ nữ ở dưới luyện ngục, tha thiết xin thánh Phêrô cho lên thiên đàng. Thánh Phêrô yêu cầu bà nhớ lại xem đã làm được điều gì tốt để Ngài có thể dựa vào lý do đó mà xét cho vào Thiên đàng. Người phụ nữ nhìn lại thật tỉ mỉ cuộc đời và nhớ chắc chắn đã có lần cho lão ăn mày khốn khổ một củ hành. Bà vội trình với thánh Phêrô và Ngài phán, vì ngươi đã cho kẻ khó một củ hành nên bây giờ ta sẽ cột sợi dây vào củ hành thả xuống luyện ngục, rồi ngươi cứ bám vào đó, ta sẽ kéo lên. Thế là người phụ nữ bám chặt vào củ hành để thánh Phêrô kéo lên. Khổ nỗi khi thấy bà được kéo lên, những người khác nhao nhao xin theo và bà ra sức dẫy dụa đạp họ xuống, vừa đạp vừa la “một mình tao lên thôi”! Nhưng vì dẫy dụa quá nên sợi chỉ đứt luôn và bà vẫn ở lại chỗ cũ.
Thật vậy, con người chúng ta tới lúc lên Thiên đàng mà vẫn còn ích kỷ. Câu chuyện này muốn nói với chúng ta rằng, thiếu tình yêu, thiếu bác ái với tha nhân, thì những cố gắng chu toàn các bổn phận thờ phượng có nghĩa lý gì? “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế.” (Mt 9, 13).
Đối với cuộc đời mỗi con người thật vô thường, mỏng manh và ngắn ngủi như ngọn đèn trước gió, vòng sinh tử là định mệnh của con người, sống chết nào ai hay! Mấy ai còn nhớ hay chỉ là vô danh!"Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích" (Tv 102,15-16).
Cũng như mấy câu thơ:
Ngày ấy tôi qua đỉnh vu sơn
Chiều ngát tà dương, ngạt nắng vờn
Thấy em áo trắng tươi cười gió
Bỗng rộn hồn tôi, nắng giận hờn.
Để rồi:
Bước chân đi ngỡ ngàng
Thế gian sầu nặng gánh
Cuộc tình ai đợi mãi
Ngắm chiều, ta vô danh (blog anh NGLB tặng)


Thật vậy, không ai biết được ngày giờ nào chúng ta chết, buổi sáng đang ngồi hàn huyên với nhau bên ly café, trưa đã vĩnh biệt nhau về chốn vĩnh hằng, vì thế, hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng. Như Chúa Giêsu đã nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào!” (Mc 13, 33). Thánh Phaolô cũng khuyên: “Chúng ta mong chờ Chúa Kitô, Chúa chúng ta, tỏ mình ra …” và mong rằng“chúng ta bền vững đến cùng, không có gì đáng trách trong ngày Chúa Kitô, Chúa chúng ta ngự đến” (1Tx 5, 23). Nên Đức Hồng Y Px. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ với chúng ta: “Nếu tôi biết ngày mai mình sẽ chết, thì hôm nay tôi sẽ sống một ngày đẹp nhất”. Chúng ta chưa sống từng ngày đẹp nhất là vì cứ tưởng mình còn lâu mới chết. Vì ai cũng dễ ham mê gây dựng cho mình một sự nghiệp trần thế, muốn có uy tín hơn, sáng giá hơn, chức vụ cao hơn, ảnh hưởng lớn hơn, mọi người nể phục hơn, làm nên những công trình to tát hơn. Ít có ai muốn sống âm thầm, hiền lành, khiêm tốn và vui lòng chịu khó, chịu khổ theo ý Chúa muốn; ít ai muốn chịu khinh khi, chịu xóa mình, chịu quên lãng, để sống cho Chúa và tha nhân. Nhưng rồi tất cả những gì chúng ta gầy dựng để mong hưởng thụ cho riêng mình đều là hư vô, vì khi nằm xuống trong lòng đất rồi thì tất cả đều chấm dứt, chẳng còn lại gìChẳng ai còn nhớ đến, thế hệ tương lai cũng chẳng biết ta là ai, hiện hữu cũng vậy, không hiện hữu cũng thế, duy chỉ một mình Chúa biết. Quả thật, ý nghĩa và giá trị cuộc sống của ta chỉ ở nơi Chúa mà thôi. Vì thế, đừng bao giờ tìm kiếm những gì ngoài Chúa, những gì không phải là Chúa.
Sách cổ ngữ có câu: Cẩn tắc vô ưu, cẩn thận đề phòng thì khỏi bị ưu phiền. Ai lơ là trong cuộc sống sẽ gặp nhiều bất trắc xẩy đến mà không kịp đối phó, hậu quả sẽ tai hại khôn lường. Sống không cảnh giác sẽ phải rước lấy tai họa. Một tên trộm sẽ không bao giờ gửi thư báo trước mình sẽ đến viếng nhà nào. Vũ khí chính của anh ta là sự bất ngờ, vì vậy một chủ nhà có của cải lúc nào cũng phải canh chừng.
Nguyễn Trãi có câu: “Nhất thất túc thành thiên cổ hận. Tái hồi đầu thị bách niên cơ” (Một bước sa chân là ngàn đời ân hận. Quay đầu trở lại là trăm năm cơ đồ). Còn giáo lý Công giáo đòi hỏi mỗi người cứ phải hoán cải, sửa đổi và tu chỉnh cuộc sống không ngừng, để góp phần với Chúa làm cho cuộc sống trở nên chân thật hơn, khiêm tốn hơn, yêu thương hơn, cao đẹp hơn, an bình hơn, như trong thư thứ 2 của Thánh Phêrô (3 – 9) nhắc rằng “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải …”.


          Mùa vọng là mùa trông đợi Chúa Giáng sinh, Chúa Giáng Sinh không chỉ là một biến cố hồng phúc đối với Đức Maria ngày xưa, nhưng còn là một biến cố ân phúc đối với mỗi người chúng ta ngày nay. Theo cha Zundel, điều này có nghĩa là Chúa cũng muốn cho chúng ta nên giống như Đức Mẹ là cưu mang, sinh hạ và nuôi dưỡng Chúa lớn lên trong cuộc đời mình. Đây là điều chúng ta đọc thấy trong phụng vụ lễ Giáng sinh: “Một đứa trẻ được sinh ra cho chúng ta”.
         Thiên Chúa muốn sinh ra từ chúng ta cũng như chúng ta được sinh ra từ Ngài. Điều bí ẩn sâu sắc nhất của Phúc Âm, đó là Thiên Chúa muốn sinh ra từ lòng mến của chúng ta. Người ta chỉ tin vào Thiên Chúa, tin vào Phúc Âm khi bộ mặt của Chúa Giêsu lộ rõ trong đời sống của chúng ta, để từ đó ta mới có thể trao ban Chúa cách đích thực cho người khác. Mỗi lần khuôn mặt người khác được sáng lên do sự tiếp xúc với lòng bác ái của chúng ta, thì đó là nét mới của khuôn mặt Thiên Chúa được lộ ra. Nếu không như thế, thì đời sống thiêng liêng, mọi hoạt động tông đồ và truyền giáo đâu có nghĩa gì. Đó cũng chính là sự thể hiện tính cách mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ của Giáo Hội trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
         Hiểu như thế và xác tín thâm sâu như vậy, chúng ta mới thấy Lễ Giáng Sinh có một ý nghĩa trọng đại trong từng năm của cuộc đời mình. Nhờ đó, ta biết chuẩn bị bằng cách cải đổi tâm hồn mình như thế nào để phát sinh hiệu quả ơn thánh và làm lớn mạnh công trình tình yêu mà Chúa muốn thực hiện nơi mỗi người chúng ta.
Như câu chuyện kể rằng, tại chùa Tô châu, có một nhà sư tên là Viên Phủ Trung, tu hành đắc đạo, nhà sư thường bày trên án thư, trước chỗ ngồi, một cái quan tài con bằng gỗ bạch đàn, dài độ 5 tấc, có một cái nắp đậy mở được.
          Khách đến chơi trông thấy cười nói rằng :
          - Ngài chế ra cái này dùng để làm gì ?
          Vị sư trả lời :
          - Người ta sống tất có chết, mà chết thì vào ngay cái này. Ta thực lấy làm lạ: người đời ai ai cũng chỉ biết có phú quý, công danh, tài sắc, thị hiếu lo buồn vất vả suốt đời, chẳng biết cái chết là gì.
          Như ta đây, mỗi khi có việc không được như ý, ta cầm lấy cái này mà ngắm xem, là tức khắc trong lòng được yên ổn, mà muôn nghìn sự tư lự đều biến tan đi.
Hôm nay chúng ta đã bước vào Mùa Vọng, Giáo hội nhắc nhở chúng ta hãy đào sâu và sống tinh thần tỉnh thức đích thực của Kitô giáo. Tinh thần tỉnh thức của Kitô giáo nhắc nhở chúng ta về ngày trở lại của Chúa Kitô và mời gọi chúng ta chuẩn bị tâm hồn mừng ngày sinh của Ngài. Chúa Kitô sẽ trở lại không phải vì Ngài đang vắng bóng, mà đúng hơn, Ngài đang hiện diện và đến trong từng phút giây của cuộc sống mỗi người chúng ta. Chúng ta chỉ thực sự gặp được Ngài, mặt đối mặt, khi chúng ta ra đi về với Ngài. Nhưng muốn được gặp Ngài trong tình thương yêu của tình Cha con, chúng ta cần phải dùng từng giây phút hiện tại để chuẩn bị cho cuộc ra đi gặp gỡ đó.
Lạy Chúa Giêsu, khí trời trở lạnh nhắc nhớ chúng con về mùa Giáng sinh sắp đến. Chúng con hân hoan chờ đợi Chúa đến như mong mẹ đi chợ về để được chia quà, mong tết đến để mặc quần áo mới. Chúng con chờ Chúa đến để ban cho chúng con niềm vui, sự bình an và cuộc sống đời đời. Nhưng, giờ phút này xin Chúa giúp chúng con dẹp bỏ tất cả những bận tâm lo lắng, những ồn ào chia trí, những mối liên hệ bạn bè,  để đi vào sự thinh lặng và trầm lắng. Chúng con tin thật Chúa đang hiện diện nơi đây với  chúng con, để nhìn ngắm chúng con và để nghe chúng con thưa chuyện với Chúa. Lạy Chúa xin chúc lành cho chúng con.
Lạy Chúa, hôm nay, cùng với Giáo Hội, chúng con bước mùa vọng. Màu tím của phụng vụ Mùa vọng và những bài hát nài van Đấng cứu tinh hãy mau đến, cộng với cái se lạnh của đất trời đã khơi lên trong lòng chúng con sự háo hức về ngày lễ Giáng Sinh sắp tới với những tiết mục văn nghệ vui tươi, sinh động, những hang đá nhiều kiểu dáng, sáng rực ánh đèn màu trang trí. Điều đó đúng nhưng nếu chỉ dừng lại ở những cái hào nhoáng bên ngoài như thế, chúng con cũng chỉ có được một niềm vui hời hợt mau qua chóng hết mà thôi. Thực chất của mùa vọng mời gọi chúng con chuẩn bị cõi lòng cho Đấng Cứu Thế đến lần hai. Giờ phút này, xin Chúa thánh hóa tâm hồn chúng con để chúng con xứng đáng thưa chuyện với Chúa trong mỗi ngày chúng con sống.
Lạy Chúa đó là tất cả tâm tình chân thành chúng con dâng lên Chúa. Xin Chúa đón nhận và chúc lành cho chúng con mỗi ngày, để chúng con càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, xứng đáng là con cái của Chúa.
Amen !

Theo :Petminhchinh Blog

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top