Tháng 11 - Mùa tưởng nhớ và tri ân | Jesus I Love | Suy Niệm | Nhạc Tôn Giáo | Thánh Ca | Cầu Nguyện Mỗi Ngày

    "Vì tưởng nhớ, cầu nguyện cho những người đã an nghỉ được giải thoát khỏi tội lỗi là một việc đạo đức và thánh thiện"(2Mcb 12,53-45)

    Người Á Đông chúng ta nói chung và người Việt Nam nói riêng, rất coi trọng chữ hiếu. Nhiều nước còn đưa chữ hiếu lên thành đạo (Đạo Hiếu) để nói về lòng biết ơn, nhớ về cội nguồn“Con người có cố có ông, như cây có cội như sông có nguồn”. Vì thế, việc tôn kính ông bà tổ tiên là bổn phận phải làm đối với thế hệ hậu sinh.
    Người Tây phương, họ không nâng lên thành đạo, những họ không dừng lại ở chữ hiếu, mà còn dành riêng ra hai ngày để nói lên lòng biết ơn đối với bậc sinh thành, đó là ngày của Mẹ - mother’s day (tháng năm) và ngày của cha - father’s day (tháng sáu).
       Đối với Đạo Phật, người ta dành ngày rằm tháng 07 âm lịch là Mùa Vu Lan báo hiếu để nói lên lòng biết ơn Tam Bảo và hiếu nghĩa với mẹ cha.

      Với đạo Công Giáo, chọn tháng 11 hàng năm là tháng chúng ta thương nhớ tưởng niệm, hiệp thông để cầu nguyện cho những người đã qua đời, để nhắc các tín hữu hãy nhớ công sơn sinh thành dưỡng dục của tổ tiên: “Con ơi giữ lấy lời cha, chớ quên lời mẹ, nhớ mà ghi tâm. Đèn soi trong chốn tối tăm, ấy là chính những lời răn, lệnh truyền.Nhớ cầu cho bậc tổ tiên, khắc ghi công đức một niềm tri ân”(Cn 6,20,23). Và tháng 11 đã trở thành tháng tưởng nhớ và tri ân công đức bố, mẹ, ông bà, tổ tiên và những người thân đã qua đời. Cầu nguyện cho những ngưòi đã khuất là chúng ta đang làm trọn Đạo Hiếu, Đạo Yêu Thương.
      Trong tháng 11 này, nhiều hoạt động mang tính hiếu nghĩa được thực hiện như: xin lễ cầu cho ông bà tổ tiên, viếng nghĩa trang, chỉnh trang những ngôi mộ.... Và trong những ngày này, nhiều nơi còn tổ chức dâng lễ cầu nguyện tại các nghĩa trang để mọi người có thể quây quần bên cạnh các ngôi mộ của người thân. Hẳn lòng mỗi người không khỏi bùi ngùi khi thắp que nhang, cây nến để tưởng nhớ người đã khuất. Rồi sốt sắng tham dự thánh lễ để cầu nguyện cho họ sớm được về nơi hạnh phúc và bình an, như lời bài hát mà chúng ta thường hay hát: “Lạy Chúa, xin cho các linh hồn được nghỉ yên muôn đời và cho ánh sáng ngàn thu chiếu soi trên các linh hồn ấy”. Khi hát như thế, chúng ta biểu hiện niềm tin của mình thật mạnh mẽ vào sự sống đời sau, vì chết không phải là hết. Mà theo giáo lý Công giáo, chết chỉ là cửa ngõ để bước vào sự sống vĩnh cửu. Khi cầu nguyện như thế, ấy là lúc chúng ta đang sống niềm tin của mình vào Đấng đã Phục Sinh từ cõi chết và mong sao người thân của chúng ta đã lìa đời cũng được phục sinh với Đức Kitô như vậy. Tuy nhiên, Giáo lý Công Giáo dạy chúng ta rằng: có thiên đàng để thưởng người lành, có hoả ngục để phạt kẻ dữ, và có luyện ngục để thanh tẩy các linh hồn còn vướng mắc các tội nhẹ chưa đền hết. Như vậy, khi ở bên nấm mồ của người đã khuất, gợi cho chúng ta ý thức về sự linh thiêng và hiệp thông sâu xa trong mầu nhiệm Các Thánh cùng thông công.

      Khi sống mầu nhiệm hiệp thông này, có lẽ không gì quý hơn là chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn đó, bởi vì các linh hồn đó chưa được về cùng Chúa, nên còn bị giam cầm trong luyện ngục để thanh luyện cho tinh ròng trước khi được diện kiến tôn nhan Chúa cách trọn vẹn.
      Các linh hồn chính là những người trước đó đã từng sống với chúng ta, là cha mẹ, ông bà, tổ tiên, là những người ân nhân, thân nhân.... Họ là những người đã ra đi trước chúng ta để trở về với nơi mà từ bụi đất đã là khởi điểm kiếp người.  Khi cầu nguyện cho các linh hồn, chúng ta thể hiện lòng biết ơn, là sống tinh thần hiệp thông, liên đới trong đức ái.
      Quả thật, chúng ta được lớn khôn và nên người là nhờ vào sự vất vả một nắng hai sương, suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời của cha mẹ, ông bà.... Từ những đêm thức trắng lo toan, đến những ngày ngược xuôi bươn trải để kiếm cho con cháu chén cơm ăn cho ấm lòng, chiếc áo ấm che thân khi trời lạnh, mấy đồng xu cho ta học hành, thuốc thang... Cha mẹ chấp nhận tất cả để miễn sao cho con cái có tiếng cười, được hạnh phúc và bình an. Như vậy trong sự sung túc, niềm vui của chúng ta có đau khổ, sự chết của đấng sinh thành. Hiểu được như vậy để chúng ta cùng nhau xây dựng đời sống hiếu nghĩa hơn, tình yêu gia tộc ngày thêm vững mạnh, thắm thiết, tình yêu tha nhân ngày thêm mặn mà, đem cho nhau niềm hy vọng và tin yêu  vào cuộc sống hơn!  Cầu nguyện cho những linh hồn đã khuất  là chúng ta đang làm trọn  ĐẠO HIẾU mà các ngài  đang mong muốn, khát khao, chờ đợi... để ngày sau, trên quê hương Nước Trời, chúng ta sẽ sum họp cùng  các thánh, gia tộc thiêng liêng, những người thương yêu mà ca tụng  lòng từ bi lân tuất của Chúa đến muôn đời. 
       Và mỗi khi đứng trước nghĩa địa, trước các phần mộ của người thân, hay chứng kiến một đám tang nào đó, ta hãy nhớ rằng một ngày nào đó ta cũng sẽ phải chết như họ. Vì phận con người thì vô thường, mỏng manh và ngắn ngủi như ngọn đèn trước gió, vòng sinh tử là định mệnh của con người. "Đời sống con người giống như cây cỏ, như bông hoa nở trên cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc không còn mang vết tích" (Tv 102,15-16).
       Nghĩ được như thế, là ta chuẩn bị cho hành trang về với Chúa qua những cái giấy thông hành được kết tinh từ những những việc lành phúc đức hàng ngày, những hy sinh cho tha nhân, những lời nói yêu thương và phục vụ trong yêu thương, vui tươi, hiền hoà, khiêm tốn và kiên nhẫn.... Cũng như một câu châm ngôn mà tôi đã có lần đọc: "Ngày ta sinh ra , mọi người cười ta khóc. Hãy sống như thế nào để khi ta ra đi, mọi người sẽ khóc và ta thì cười"
      Và không có lời kinh, lời nguyện nào hay hơn, đẹp hơn và quý trọng hơn lời kinh nguyện Thánh Thể: “Lạy Chúa nhân từ xin thương đoàn tụ mọi con cái Cha đang tản mác khắp nơi. Xin thương cho ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đã qua đời, và tất cả những ai đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa, được vào Nước Chúa, nơi chúng con hy vọng sẽ tới, để  cùng nhau tận hưởng vinh quang Chúa muôn đời... Amen!" 

Theo :Petminhchinh Blog

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Top